Các ngành công nghiệp nỗ lực tiết kiệm năng lượng từ hoạt động Kiểm toán năng lượng

Tác giả

Ông Trần Đức Hoà 

 Chuyên gia Tiết Kiệm Năng lượng 

Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam do USAID tài trợ (V-LEEP)

 

Theo số liệu đã công bố của Tổng cục thống kê, tăng trưởng kinh tế GDP năm 2015 đạt 6,68%, cao hơn so với năm 2014 là 5,98%, và cao hơn tăng trưởng trung bình cả giai đoạn 2011-2015 là 5.91%, cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Năm 2015, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp của Việt Nam là 70.588 KTOE, trong đó năng lượng thương mại chiếm 75,5% và năng lượng phi thương mại chiếm 24,5% trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp. 

Theo xu hướng, năng lượng phi thương mại đã dần được thay thế bởi các dạng năng lượng thương mại. Sự chuyển dịch sang năng lượng hóa thạch đã và đang là nguyên nhân quan trọng cho việc tăng phát thải khí nhà kính. Trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam có mức tăng phát thải khí nhà kính cao nhất trong khu vực ASEAN. Cả tổng phát thải khí nhà kính và phát thải khí nhà kính đầu người đã tăng gần gấp 3 lần trong 10 năm trong khi cường độ carbon trên GDP tăng 48%.
Về cơ cấu ngành trong tiêu thụ năng lượng thương mại năm 2015, Công nghiệp vẫn là hộ tiêu thụ lớn nhất với 47,3%, kế tiếp là Giao thông 29,6%, và Khu vực dân cư 15,1%.

 Hình 1: Cơ cấu tiêu thụ năng lượng cuối cùng theo ngành kinh tế

Than, dầu DO, dầu FO, LPG, khí thiên nhiên và điện năng là những dạng năng lượng được sử dụng phổ biến trong Công nghiệp. Về cơ cấu tiêu thụ năng lượng trong Công nghiệp, than có tỷ trọng lớn nhất với 50,26%, tiếp theo là điện và khí thiên nhiên tương ứng ở mức 33,61% và 7,56%, dầu DO ở mức 5,84%.


Bảng 1: Lượng năng lượng tiêu thụ của Công nghiệp trong năm 2015


Bảng 2: Lượng năng lượng tiêu thụ của Công nghiệp đã quy đổi trong năm 2015

Theo số liệu thống kê năng lượng năm 2015, xét riêng trong ngành Công nghiệp, thì những tiểu ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng nhất gồm có Vật liệu xây dựng, Hóa chất, Dệt may, Xi măng, Thép và Thực phẩm. Và phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong các tiểu ngành công nghiệp này là các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm của quốc gia.

Theo quy định của Luật sử dụng năng lượng và hiệu quả, kiểm toán năng lượng (KTNL) là nhiệm vụ bắt buộc đối với các doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm. Đây là hoạt động quan trọng giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp rà soát hiện trạng sử dụng năng lượng của đơn vị mình, tìm ra các công đoạn sản xuất, thiết bị vận hành còn đang lãng phí năng lượng, để từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng. 



Hình 2: Tỷ trọng tiêu thụ năng lượng của các ngành công nghiệp 

Theo công bố của Bộ Công thương, tổng số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2016 là 2.413 đơn vị, trong đó có 1.874 đơn vị Công nghiệp. Như vậy, số lượng đơn vị Công nghiệp cần thực hiện KTNL tính trung bình hàng năm là 625 đơn vị.

KTNL là hoạt động hướng tới thiết lập chương trình năng lượng hiệu quả. KTNL bao gồm việc tìm kiếm, xác định cơ hội bảo tồn năng lượng để từ đó xây dựng chương trình tiết kiệm năng lượng. Đây là bước đầu tiên cần tiến hành trong quá trình thực hiện tiết kiệm năng lượng (TKNL).

Trong các đơn vị công nghiệp, thực hiện KTNL giúp tăng nhận thức cho các nhân viên về các vấn đề năng lượng, có thêm kiến thức vận hành sẽ giúp cho các nhân viên làm việc năng suất hơn và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

 Phương pháp kiểm toán năng lượng:

KTNL trong công nghiệp được phân loại theo mức độ phức tạp, mức độ yêu cầu phạm vi thực hiện. Tại Việt Nam, có 2 mức KTNL cơ bản và được xếp theo thứ tự mức độ phức tạp tăng dần. Đó là:

Kiểm toán năng lượng sơ bộ:

Kiểm toán năng lượng sơ bộ nhằm mục đích kiểm tra các biện pháp tiết kiệm năng lượng tiềm năng, có thể được thực hiện nhanh chóng và chi phí thấp. Kiểm toán năng lượng sơ bộ được thực hiện bằng cách xem xét sơ bộ qua việc kết nối và các công đoạn sản xuất, tập trung vào các thiết bị/hệ thống tiêu thụ năng lượng chủ yếu như: (i) Dây chuyền sản xuất, (ii) Lò hơi; (iii) Máy nén khí, (iv) Hệ thống bơm, quạt, (v) Tháp làm mát,… Các biện pháp TKNL tiềm năng có thể được xác định thông qua quan sát cùng với phân tích các số liệu ghi chép (như Nhật lý vận hành) của thiết bị. Đối với KTNL sơ bộ, các tính toán thường đơn giản và được thực hiện để định lượng các tiết kiệm có thể đạt được. 

 
Hình 3: Quy trình thực hiện KTNL trong công nghiệp

Thông thường, các công cụ đơn giản như: (i) Ampe kìm, (ii) Nhiệt kế hồng ngoại, (iii) Thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm cầm tay,… sẽ được sử dụng để đo đếm nhanh các thông số cơ bản.

Kiểm toán năng lượng chi tiết: KTNL chi tiêt là việc xác định lượng năng lượng sử dụng và các tổn thất thông qua theo dõi và phân tích các thiết bị, các hệ thống và các đặc điểm vận hành một cách chi tiết hơn. Khi phân tích có thể bao gồm cả việc đo đạc và thí nghiệm để xác định thông số năng lượng sử dụng và hiệu suất của các hệ thống khác nhau. Bên cạnh đó, cần sử dụng các phương pháp tính toán khoa học, phù hợp để phân tích và tính toán tiết kiệm năng lượng cũng như chi phí thông qua việc cải tiến và thay đổi từng hệ thống, thiết bị. Ngoài ra còn phải tiến hành phân tích kinh tế các giải pháp tiết kiệm năng lượng có tiềm năng được kiến nghị. Sau khi đã có phân tích kỹ thuật và kinh tế, các giải pháp TKNL sẽ được phân loại theo mức đầu tư ban đầu. Bên cạnh đó, kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp TKNL cũng sẽ được phân phối hợp lý tùy thuộc vào quá trình sản xuất cũng như nguồn vốn thực hiện của nhà máy.

KTNL nên được thực hiện bởi một nhóm các cán bộ kỹ thuật, hoặc tốt hơn là những người có kinh nghiệm nhất định trong việc thiết kể và vận hành các phương tiện hoặc thiết bị đặc trưng, hệ thống hoặc quá trình sẽ được kiểm toán. Nhóm nên gồm 3 đến 5 cán bộ giàu kinh nghiệm đại diện cho các ngành công nghệ chính (ví dụ hoá, cơ khí, điện). Trong các KTNL chi tiết, nhóm kiểm toán nên có được hỗ trợ từ kỹ sư nhà máy, quản đốc hay cán bộ giám sát bảo trì. 

Để có một báo cáo KTNL thực sự mang lại lợi ích, kiểm toán viên phải có đủ kiến thức, kinh nghiệm để có góc nhìn toàn cảnh sử dụng năng lượng của DN, từ đó đưa ra những giải pháp cải tạo, thay thế hợp lý. Bên cạnh đó, thiết bị đo kiểm đạt chất lượng cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên một báo cáo KTNL theo yêu cầu.  

 
Hình 4: Quá trình thu thập và đo đạc thông số

Tuy nhiên, thực hiện KTNL mới chỉ là bước phát hiện cơ hội TKNL, muốn giảm lãng phí năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn thì doanh nghiệp phải thực hiện theo kết quả báo cáo KTNL và sự tư vấn của kiểm toán viên. Vì thế, cần rất nhiều nỗ lực từ phía DN để biến các giải pháp TKNL thành lợi nhuận cho chính bản thân DN.

Qua 7 năm thực thi Luật, hầu hết các đơn vị công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm đã và đang triển khai thực hiện công tác KTNL. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều đơn vị công nghiệp chưa nhìn nhận đúng và đầy đủ về KTNL, do đó kết quả thực hiện mang tính hình thức và các báo cáo KTNL còn sơ sài, dẫn đến hiệu quả thực sự mang lại từ KTNL là chưa cao. Để việc thực hiện KTNL trong các đơn vị công nghiệp đạt được hiệu quả, thì cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị công nghiệp và cơ quan quản lý. Với đơn vị sản xuất, cần hiểu đúng và đầy đủ về hiệu quả mang lại từ KTNL, tự học hỏi các kinh nghiệm triển khai của các đơn vị khác cùng ngành, cùng lĩnh vực. Với các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ trang bị cho đơn vị những thông tin cơ bản nhất về KTNL thông qua các hội thảo, hội nghị và qua các kênh truyền thông. Đồng thời qua đây giới thiệu cho các DN những đơn vị tư vấn đủ kinh nghiệm và năng lực thực hiện KTNL.

Bên cạnh đó, cũng có những đơn vị công nghiệp thực hiện nghiêm túc quá trình KTNL vì họ xác định được lợi ích thực sự mang lại của quá trình KTNL. Bức tranh tổng thể về tiêu thụ năng lượng của từng quy trình sản xuất, của toàn nhà máy cũng như những khu vực/hệ thống tiêu thụ lãng phí năng lượng được phát hiện. Các giải pháp TKNL được xác định chính xác qua các thông số đo cụ thể, minh bạch cùng với các phân tích tài chính hợp lý đã giúp đơn vị công nghiệp mạnh dạn đầu tư và bước đầu đã có kết quả rất khả quan.

Hiện tại, rào cản khá lớn đối với các đơn vị công nghiệp triển khai đầu tư các giải pháp TKNL là nguồn vốn thực hiện. Trong tương lai gần, rất mong sẽ có thêm nhiều cơ chế hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như kinh tế cho các đơn vị công nghiệp để có thể thực hiện các giải pháp TKNL khả thi.

Nguồn:

·       Thống kê Năng lượng VIỆT NAM – Năm 2015/ Chương trình Mục tiêu Quốc gia về sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - Viện Năng lượng, tháng 06/2017;

·       Tổng cục thống kê, https://www.gso.gov.vn;

·       Cơ chế Tiết kiệm năng lượng trong ngành Thép ở Việt Nam – AFD;

·       Textbook for energy auditors in the Vietnamese Pulp and Paper sector – DANIDA;

·       https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_nghi%E1%BB%87p_n%C4%83ng_l%C6%B0%E1%BB%A3ng.

Giới thiệu về tác giả:

Ông Trần Đức Hoà là chuyên gia kiểm toán năng lượng cho các dự án tiết kiệm năng lượng. Ông có bằng cử nhân quản lý năng lượng, chứng chỉ Kiểm toán viên được cấp bởi Bộ Công Thương.