Thống kê năng lượng: Từ kinh nghiệm Quốc tế tới thực tiễn Việt Nam

Thống kê năng lượng: Từ kinh nghiệm Quốc tế tới thực tiễn Việt Nam

Tác giả

Ông Nguyễn Thanh Hà

Trưởng Hợp phần Tiết kiệm năng lượng 

Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP) do USAID tài trợ
 

Trong các thập kỷ vừa qua, Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động và có tốc độ tăng trưởng cao (trung bình khoảng 6% giai đoạn 2010 – 2015) so với các nước trong khu vực và trên thế giới (GDP năm 2016 tăng trưởng 6.21%)[1]. Mặc dù Việt Nam luôn nhận định tăng trưởng kinh tế là ưu tiên hàng đầu nhưng các chiến lược phát triển phải luôn đảm bảo cân bằng và hài hoà giữa tăng trưởng nhanh với phát triển bền vững.

Trong tiến trình tăng trưởng kinh tế, năng lượng đóng vai trò then chốt thúc đẩy nền kinh tế phát triển, bởi tăng trưởng luôn đòi hỏi có nguồn cung cấp năng lượng dồi dào nhưng phải phù hợp với khả năng thanh toán của các đối tượng, tầng lớp và thành phần kinh tế - xã hội. Để đảm bảo an ninh năng lượng và phục vụ phát triển kinh tế, năng lượng luôn phải được đầu tư phù hợp để phát triển cơ sở hạ tầng, bảo bảo nguồn cung năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường cũng như kiểm soát phát thải khí nhà kính ra môi trường.

Theo Thống kê năng lượng Việt Nam năm 2015, tổng nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp của Việt Nam năm 2015 là 70.59 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), trong đó năng lượng thương mại chiếm 75.50% và năng lượng phi thương mại chiếm 24.50%. Biểu đồ Sankey dưới đây minh họa dòng năng lượng từ khâu sản xuất, xuất nhập khẩu, chuyển đổi đến tiêu thụ trong năm 2015 của các thành phần kinh tế - xã hội Việt Nam.[2]

Hình 1 Dòng năng lượng Việt Nam năm 2015 (đơn vị KTOE)

Tuy nhiên, diễn biến các nguồn cung và tiêu dùng năng lượng có sự biến động trong các năm vừa qua, một phần do biến động của thị trường năng lượng thế giới, một phần lớn là do tái cơ cấu các thành phần kinh tế trong nước.

Nhằm mục đích cung cấp đầu vào cho các quy hoạch, chiến lược phát triển năng lượng cũng như phục vụ công tác quản lý, điều hành, xây dựng chính sách và nghiên cứu khoa học để phát triển năng lượng bền vững và hiệu quả đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thống kê năng lượng là rất cần thiết và phải phù hợp với các tiêu chuẩn thống kê quốc tế.

Trên thế giới hiện nay, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu từ năm 1990 đến nay về năng lượng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cơ sở dữ liệu này được công bố hằng năm trên website của IEA và mọi người đều có thể tiếp cận cho mục đích nghiên cứu. Theo đó, tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp Việt Nam năm 2015 là 73.80 triệu TOE [1], cao hơn so với công bố của Việt Nam khoảng 4.55%.

                                

Hình 2 Website cơ sở dữ liệu năng lượng của IEA và các module chính                 Hình 3 Các module chính

Theo đó, dữ liệu được phân chia thành 4 module chính, bao gồm (i) Số liệu kinh tế xã hội và các chỉ số; (ii) Bảng cân bằng năng lượng; (iii) Các nguồn năng lượng; và (iv) Các biểu đồ.

 Công cụ này tổng hợp một số chỉ tiêu nổi bật như:

·      Phát thải khí thải nhà kính từ tiêu dùng nhiên liệu khoảng 168.3 triệu tCO2, xếp hàng thứ 4 trong khu vực ASEAN.

·    Cường độ phát thải theo TPES khoảng 2.3 tCO2/toe, xếp hàng thứ 2 trong khu vực ASEAN.

·       Cường độ phát thải theo GDP khoảng 1.1 kgCO2/USD, xếp hàng cao nhất trong khu vực ASEAN

·    


Mật độ phát thải theo dân số khoảng 1.8 tCO2/đầu người, xếp hàng thứ 4 trong khu vực ASEAN. Bộ cơ sở dữ liệu này là nền tảng cơ bản cho phép IEA tập hợp tiêu thụ năng lượng của các quốc gia để ban hành cuốn thống kê năng lượng quốc tế hằng năm.
Mặc dù cơ sở dữ liệu được IEA xây dựng công phu và khoa học, tuy nhiên các số liệu cung cấp hầu hết được tổng hợp dựa vào kết quả nghiên cứu từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau và chưa được kiểm chứng. Do đó, kết quả tổng hợp vẫn còn khác biệt với thực tiễn.

Bên cạnh đó, bảng số liệu chưa đề cập chi tiết tới tiêu dùng năng lượng trong các ngành tiêu thụ trọng điểm, nên vẫn chưa đầy đủ cho việc hoạch định chính sách cũng như đánh giá tác động từ nỗ lực phát thải các-bon thấp của Việt Nam.

Nhằm hạn chế các nguồn số liệu không chính thống và hợp nhất thống kê năng lượng với hệ thống thống kê quốc gia, từ năm 2008, Bộ Công thương đều đặn tổ chức thu thập số liệu và ban hành Thống kê năng lượng hằng năm (hình bên). Số liệu được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, ví dụ như Tổng cục thống kê, cơ quan trung ương, Tập đoàn và Tổng công ty lớn, Trung tâm điều độ Hệ thống điện Việt Nam, …

Trong các năm vừa qua, với mục tiêu hội nhập quốc tế, Bộ Công thương đã chủ động cập nhật và điều chỉnh nội dung và cấu trúc bản thống kê cho phù hợp với định dạng của hệ thống thống kê các tổ chức quốc tế.

Nhằm hạn chế các nguồn số liệu không chính thống và hợp nhất thống kê năng lượng với hệ thống thống kê quốc gia, từ năm 2008, Bộ Công thương đều đặn tổ chức thu thập số liệu và ban hành Thống kê năng lượng hằng năm (hình bên). Số liệu được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, ví dụ như Tổng cục thống kê, cơ quan trung ương, Tập đoàn và Tổng công ty lớn, Trung tâm điều độ Hệ thống điện Việt Nam, …

Trong các năm vừa qua, với mục tiêu hội nhập quốc tế, Bộ Công thương đã chủ động cập nhật và điều chỉnh nội dung và cấu trúc bản thống kê cho phù hợp với định dạng của hệ thống thống kê các tổ chức quốc tế. Hầu hết các nội dung về nhiên liệu, điện năng và chỉ số được cấu trúc tương đối tương đồng với chuẩn mực của IEA. Tuy nhiên, bản thống kê này còn xác định được các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng chủ đạo của Việt Nam theo các dạng năng lượng khác nhau trong từng năm, một nội dung quan trọng mà các hệ thống thống kê khác không có.

 Để có thể tổng hợp được thông tin nhằm xây dựng bản thống kê này, Bộ Công thương, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của DANIDA, đã xây dựng công cụ thu thập dữ liệu năng lượng quốc gia (Công cụ MRVN Năng lượng quốc gia). Đây là công cụ được xây dựng trên nền tảng MS Excel, với các sheet dữ liệu bao gồm từ Kinh tế - xã hội, đến sản xuất và tiêu dùng năng lượng của 8 ngành công nghiệp trọng điểm và các thành phần kinh tế - xã hội.

Đối với từng ngành, các doanh nghiệp được phân ra theo loại hình doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm (trên 1000 toe đối với công nghiệp và 500 toe đối với dịch vụ) và các đối tượng khác.

Số liệu yêu cầu thu thập được tối thiểu hoá và tận dụng tối đa các nguồn số liệu có sẵn của Tổng cục thống kê. Số liệu được nhập vào hằng năm và lưu trữ thành cơ sở dữ liệu. Công cụ còn có chức năng cho phép người dùng tra cứu và cập nhật dữ liệu cho số liệu các năm đã nhập.


 

Số liệu được công cụ tính toán, tổng hợp và phân tích tự động, dữ liệu được tổng hợp theo Bảng số liệu hằng năm và dưới dạng Biểu đồ.

Một nhược điểm của công cụ này là do được thiết kế trên nền tảng MS Excel nên chưa hỗ trợ nhiều người sử dụng một lúc và số hoá dữ liệu khó khăn, đặc biệt là dữ liệu trực tuyến. Cũng vì được xây dựng trên nền tảng MS Excel nên công cụ thống kê này chỉ cung cấp số liệu dưới dạng bảng hầu hết được chia tách theo năm, và thiếu biểu đồ trực quan. Bên cạnh đó, chưa có sự so sánh với chỉ tiêu của các nước khác.

Một điểm cần hoàn thiện hơn nữa là bản thống kê được ban hành dưới dạng văn bản, không đưa vào hệ thống cơ sở dữ liệu chung quốc gia nên khó khăn trong việc xử lý và tiếp cận thông tin.

Mặc dù vậy, công cụ đã cung cấp và tổng hợp một cách đầy đủ, xác thực và có tính khoa học về thực trạng sử dụng và cung cấp năng lượng ở Việt Nam. Từ đó giúp các nhà quản lý và hoạch đinh chính sách đánh giá được hiệu quả tiêu thụ năng lượng, và hiệu quả của các chương trình các-bon thấp mang lại (ví dụ như đã lượng hoá được hiệu quả của VNEEP là 5.81% trong giai đoạn 2012 – 2015), cũng như xây dựng kế hoạch năng lượng an toàn và bền vững. Tuy nhiên, công cụ rất cần thiết phải được hoàn thiện và nâng cấp nhằm xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu trực tuyến, lồng ghép vào hệ thống thống kê quốc gia và phù hợp với chuẩn thống kê quốc tế.

[1] Tổng cục thống kê, 2017

[2] Thống kê năng lượng Việt Nam năm 2015, MoIT, 2017   

Tài liệu tham khảo:

IEA, Vietnam Energy Statistic database, http://www.iea.org/statistics/statisticssearch/report/?year=2015&country=Vietnam&product=Indicators

Bộ Công thương, Thống kê năng lượng Việt Nam, 2015.

RCEE – NIRAS, Evaluation of Vietnam Energy Efficiency Program – Phase II, Final evaluation report, 2016

Vài dòng tác giả:

Thạc sỹ Nguyễn Thanh Hà, hiện đang là Trưởng Hợp phần Tiết kiệm năng lượng của Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP) do USAID tài trợ. Ông Hà từng học tập và nghiên cứu chuyên ngành Kỹ thuật điện tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông cũng đã có 5 năm làm việc trong ngành điện, và hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực Tiết kiệm năng lượng, Tăng trưởng xanh, phát thải thấp, …. Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, Ông Hà còn làm việc chặt chẽ với cơ quan chính phủ (Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở công thương) cũng như các tổ chức khác (WB, UNIDO, UNDP) trong việc xây dựng công cụ năng lượng, thúc đẩy nỗ lực tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính trong cả công nghiệp và các lĩnh vực khác.