Nghiên cứu: Dự báo Cường độ tiêu thụ Năng lượng Quốc gia giai đoạn 2016-2020
Nghiên cứu: Dự báo Cường độ tiêu thụ Năng lượng Quốc gia giai đoạn 2016-2020
Chương trình phát triển Liên HIệp Quốc (UNDP) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tài trợ thực hiện nghiên cứu “Dự báo cường độ tiêu thụ năng lượng quốc gia giai đoạn 2016-2020”. Báo cáo được thực hiện bởi nhóm chuyên gia, bao gồm đối tác kỹ thuật của công ty RCEE – NIRAS trong năm 2017. Kết quả của nghiên cứu là tài liệu tham khảo quan trọng để phục vụ công tác theo dõi – đánh giá và hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, trong đó quản lý tiêu thụ năng lượng được phản ánh qua chỉ tiêu cường độ năng lượng: mức năng lượng tiêu thụ để sản xuất ra một đơn vị GDP của quốc gia.
Dự báo của nhóm chuyên gia cho thấy tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc sẽ đạt khoảng 76.7 triệu TOE vào năm 2020, tương đương mức tăng tưởng trung bình 7.38%/năm giai đoạn 2016 – 2020.
Cường độ năng lượng quốc gia không có sự thay đổi đáng kể, dao động nhẹ quanh ngưỡng 19.18-19.38 TOE/ tỉ VNĐ (GDP) trong giai đoạn trên. Cường độ có xu thế giảm dần, về mức 19.179 TOE/ tỉ VNĐ năm 2019, sau đó có thể tăng nhẹ vào năm 2020. Đây là kết quả phù hợp xét đến các ngành tiêu thụ năng lượng chính trong khu vực công nghiệp đều được dự báo có cải thiện trong sử dụng năng lượng hiệu quả trong khi sản lượng đầu ra được dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định trong giai đoạn dự báo (Hình VI-1).
Giá trị cường độ năng lượng giai đoạn nghiên cứu cao hơn so với giai đoạn 2010 – 2015 (dưới 19 TOE/tỉ VNĐ GDP). Kết quả này có thể được giải thích bởi một số lý do bao gồm: nền kinh tế được dự báo có mức tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước, một số ngành công nghiệp nặng, tiêu thụ nhiều năng lượng tiếp tục mở rộng sản lượng và sự thiếu vắng của các chương trình thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên quy mô toàn quốc, ví dụ như Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả VNEEP (2006 – 2015).
Hình 1: Kết quả dự báo Tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc giai đoạn 2016 – 2020 (Nguồn: Tính toán của nhóm chuyên gia)
Về cơ cấu tiêu thụ năng lượng theo các dạng nhiên liệu sơ cấp, có thể nhận thấy nhu cầu sử dụng đối với đa số các dạng nhiên liệu – năng lượng có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của các nhiên liệu – năng lượng này là khác nhau và có sự thay đổi trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng. Trong khi điện năng và các sản phẩm dầu ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong cơ cấu thì có diễn biến theo chiều ngược lại đối với than và các sản phẩm năng lượng phi thương mại. Tỉ trọng của điện tăng từ 23.2% năm 2016 lên 26.3% năm 2020. Các sản phẩm dầu tăng từ 38.2% lên 40.6% trong giai đoạn này. Đóng góp của than giảm từ mức 17.4% xuống còn 15.6% trong khi khí tự nhiên có tỉ trọng về cơ bản ổn định và ít thay đổi (3.3% năm 2016 và 3.8% năm 2020).
Tiêu thụ năng lượng khi xem xét trong các ngành kinh tế cũng có những biến động đáng chú ý dù về tổng thể vẫn có cơ cấu ổn định. Công nghiệp – xây dựng vẫn là khu vực tiêu thụ nhiều năng lượng nhất, chiếm 39.1% năm 2016 và 41.1% năm 2020. Khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất là thương mai – dịch vụ, với tốc độ tăng bình quân 30%/năm, từ mức xấp xỉ 2,000 kTOE năm 2016 lên xấp xỉ 3,000 kTOE năm 2020. Các ngành còn lại có tăng trưởng ở mức độ vừa phải, từ mức 4.4%/ năm (ngành nông – lâm – ngư nghiệp) đến 7.7%/năm của ngành Giao thông Vận tải.