Công cụ Thống kê năng lượng và phát thải Khí nhà kính cho ngành công nghiệp sản xuất gang thép Việt Nam

Tác giả

Ông Nguyễn Thanh Hà

 Trưởng Hợp phần Tiết kiệm năng lượng

 Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP) do USAID tài trợ 


Song hành cùng với phát triển kinh tế và nâng cao đời sống xã hội, Ngành sản xuất gang và thép là một trong các ngành thiết yếu cung cấp vật liệu sản xuất cho các ngành kinh tế cũng như đời sống dân sinh. Ra đời từ đầu những năm 60 của thế kỷ thứ XX với mẻ gang đầu tiên của Khu liên hiệp gang thép Thái Nguyên, Ngành gang thép từng bước có sự tăng trưởng đáng kể. Trong giai đoạn vừa qua, sản lượng ngành gang thép có sự tăng trưởng rất đáng kể trong giai đoạn 2010 – 2016 từ 11.32 triệu tấn năm 2010 lên 19.98 triệu tấn năm 2016, tăng trưởng trung bình tương ứng khoảng 10.21%, đặc biệt năm 2016 có mức tăng trưởng vượt bậc là 20.13% tương ứng đà phục hồi kinh tế Việt Nam và thế giới. Theo Bộ Tài chính, sản lượng tiêu thụ thép trong nước năm 2017 đạt 9.12 triệu tấn, tăng 12% so với năm 2016. Việt Nam, năm 2016, được xếp thứ 19 trong số các quốc gia sản xuất các sản phẩm gang thép lớn trên thế giới.

Bảng 1: Sản lượng các sản phẩm thép sản xuất tại Việt Nam

Song hành cùng với tăng trưởng sản lượng, ngành sản xuất gang thép cũng tiêu thụ đáng kể năng lượng cho quá trình sản xuất của mình. Đây là một trong các ngành tiêu thụ năng lượng trọng điểm quốc gia, chiếm 5.18% tổng năng lượng tiêu thụ của các ngành công nghiệp trong năm 2015, trong đó, Điện năng chiếm tỷ trọng lớn nhất (50.91%), tiếp theo là Than (42.25%) và phần còn lại là các dạng năng lượng hoá thạch khác như Dầu Diesel (DO), dầu FO, … 

 Tuy nhiên, để luyện được một mẻ sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam trung bình mất khoảng 90 – 180 phút với điện năng tiêu hao từ 550 – 690 kWh/tấn sản phẩm, trong khi tiêu hao trung bình của thế giới là 360 – 430 kWh/tấn sản phẩm với thời gian 45 – 70 phút. Bên cạnh nguyên nhân là do tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ trang thiết bị lạc hậu, thì vấn đề quản lý và giám sát năng lượng cũng chưa được thực hiện khoa học dẫn đến năng lượng tiêu hao chưa hiệu quả, chi phí sản xuất cao và phát thải nhiều khí nhà kính.

                                                  Hình 1: Cơ cấu năng lượng tiêu thụ trong Ngành thép Việt Nam                                           

Hiện nay, thế giới đã có một số mô hình quản lý và thống kê năng lượng, có thể kể đến như Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, Hiệp hội thép quốc tế, IEA, Energy Star, …

=> Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế đã ban hành ISO 50001:2011 (được Việt Nam tiêu chuẩn hoá thành TCVN ISO 50001: 2012), theo đó ISO 50001: 2011 hướng dẫn xây dựng quy trình xây dựng và chứng nhận Hệ thống quản lý năng lượng.

=> Hiệp hội thép quốc tế (World Steel Association) và tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) cùng xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu tiêu thụ năng lượng cho ngành thép thế giới (Energy Data Collection System). Công cụ được xây dựng trên nền tảng web-based nên thân thiện với người sử dụng. Với công cụ này, người sử dụng đăng nhập vào hệ thống và tập hợp dữ liệu về Năng lượng, phát thải khí thải CO2, và vận hành, …. Công cụ cũng phân chia theo các công đoạn sản xuất và so sánh với các doanh nghiệp tương đương và trung bình của quá trình sản xuất.

Hình 3. Công cụ thu thập dữ liệu Năng lượng Ngành thép thế giới    

=> Energy Star đã xây dựng công cụ excel để đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng của nhà máy thép. Công cụ được nhập số liệu của từng nhà máy với sản lượng và các dạng năng lượng, từ đó so sánh với định biên các năm trước đây.


Hình 4. Công cụ đánh giá hiệu quả năng lượng nhà máy thép của Energy Star

Tuy các công cụ đã giúp xây dựng được một số cơ sở dữ liệu, tuy nhiên, hầu hết là các công cụ riêng lẻ và chưa phù hợp với quy định và chế độ báo cáo Việt Nam. Bên cạnh đó, vấn đề bảo mật và độ tin cậy của số liệu đang là một vấn đề cần giải quyết.

Tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp ngành thép là các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm. Trong số các quy định của Luật sử dụng Năng lượng tiết kiệm và Hiệu quả (Thông tư số 09/2012/TT-BCT của Bộ Công Thương), các đơn vị này phải thực hiện xây dựng hệ thống quản lý năng lượng và báo cáo năng lượng tới cơ quan quản lý (Sở công thương địa phương). Biểu mẫu báo cáo yêu cầu cung cấp khá nhiều thông tin, tập trung vào chủng loại và khối lượng năng lượng tiêu thụ, sản lượng theo sản phẩm và nỗ lực tiết kiệm năng lượng. Để tuân thủ và hoàn thiện báo cáo này, doanh nghiệp cần tổng hợp số liệu từ rất nhiều nguồn khác nhau và mang tính thống kê hơn là quản lý. Do đó, bên cạnh hiệu quả mang lại từ yêu cầu này, chất lượng số liệu báo cáo cũng là vấn đề cần cân nhắc.

Trong khuôn khổ Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP), Ngành sản xuất gang thép đã được lựa chọn để hỗ trợ kỹ thuật cho các nỗ lực tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải, trong đó hoàn thiện cơ chế báo cáo là một trong các hoạt động trọng tâm. Với mong muốn giúp các doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp lý về Sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như giám sát năng lượng một cách liên tục và hiệu quả, và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia cho ngành thép, Dự án đã xây dựng mô hình Công cụ báo cáo Năng lượng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Công cụ sẽ bao gồm 3 phần chính:

 => Phần 1: Thông tin chung: Bao gồm các thông tin chung và sản xuất của doanh nghiệp

Ø   => Phần 2: Năng lượng và phát thải: Bao gồm thống kê năng lượng tiêu thụ và kiểm kê phát thải khí nhà kính

Ø    => Phần 3: Hoạt động tiết kiệm năng lượng: Bao gồm các hoạt động đầu tư, và lượng giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng từ hoạt động đầu tư mang lại.

                                                                                           Hình 5: Mô hình xây dựng công cụ Thống kê năng lượng và phát thải khí nhà kính cho ngành gang thép Việt Nam 

Công cụ dự kiến sẽ hoàn thành và triển khai thí điểm trong giai đoạn tới 2020 và cho phép doanh nghiệp tích hợp một cách dễ dàng vào hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý hiện hữu, kể cả với ISO 50001:2011, nhằm tối ưu hoá nguồn lực quản lý và báo cáo. Từ đó giúp nhà máy giám sát năng lượng liên tục và phát hiện các bất thường kịp thời để khắc phục trong quá trình vận hành, xây dựng được cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp, cũng như tuân thủ quy định pháp luật liên quan.

Tài liệu tham khảo:

·      Bộ Công thương, Thống kê năng lượng Việt Nam, 2015.

·      World Steel Association, World Steel in figures, 2017

·      Rizwan Janjua, Energy Use in the Steel Industry, World Steel Association, 2014

·      V-LEEP, Reporting framework and reporting tools for Vietnam Steel sector, 2017

·      Bộ Khoa học Công nghệ, Hệ thống quản lý năng lượng TCVN ISO 50001:2012, 2012

·      Tổng cục thống kê, https://www.gso.gov.vn

·       https://www.satthep.net/tin-tuc/tin-thep-viet-nam/9-12-trieu-tan-thep-duoc-tieu-thu-trong-nam-2017.html

· https://www.worldsteel.org/en/dam/jcr:db751e02-8cc3-4199-b652-ac5092b02bd6/World+Steel+in+Figures+2017+Infographic.pdf

·      Thống kê năng lượng Việt Nam, MoIT, 2015

·       http://media.vneec.gov.vn/Images/Upload//User/maianh/2015/4/21/15_04_.pdf

Giới thiệu về tác giả:

Thạc sỹ Nguyễn Thanh Hà, hiện đang là Trưởng Hợp phần Tiết kiệm năng lượng của Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP) do USAID tài trợ. Ông Hà từng học tập và nghiên cứu chuyên ngành Kỹ thuật điện tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông cũng đã có 5 năm làm việc trong ngành điện, và hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực Tiết kiệm năng lượng, Tăng trưởng xanh, phát thải thấp, …. Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, Ông Hà còn làm việc chặt chẽ với cơ quan chính phủ (Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở công thương) cũng như các tổ chức khác (WB, UNIDO, UNDP) trong việc thúc đẩy nỗ lực tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính trong cả công nghiệp và các lĩnh vực khác.